Cấu tạo và chức năng của giác mạc

Cấu tạo và chức năng của giác mạc

Cấu tạo và chức năng của giác mạc

Cấu tạo và chức năng của giác mạc

Giác mạc là gì?

Giác mạc (lòng đen), là một màng trong suốt, rất dai, không có mạch máu có  hình chỏm cầu chiếm 1/5 phía trước của vỏ nhãn cầu.

Cấu tạo của giác mạc

Đường kính của giác mạc khoảng 11 mm, bán kính độ cong là 7,7 mm. Chiều dày giác mạc ở trung tâm (trung bình 520µm) mỏng hơn ở vùng rìa (trung bình 700µm).

Bán kính cong mặt trước giác mạc tạo thành lực hội tụ khoảng 48,8D, chiếm 2/3 tổng công suất khúc xạ của nhân cầu. Để điều trị tật khúc xạ, giác mạc có lợi thế nhất vì dễ tiếp cận, can thiệp ngoại nhãn nên an toàn, ít nguy cơ biến chứng.

Về phương diện tổ chức học giác mạc có 5 lớp, từ ngoài vào trong bao gồm:

    – Biểu mô: là biểu mô lát tầng không sừng hoá.

    – Màng Bowmans: có vai trò như lớp màng đáy của biểu mô.

    – Nhu mô: chiếm 9/10 chiều dày giác mạc.

    – Màng Descemet: rất dai.

    – Nội mô: chỉ có một lớp tế bào.

Phẫu thuật khúc xạ bằng laser can thiệp từ 1/2 nhu mô trở về trước.

cau-tao-giac-mac

Phim nước mắt

Lớp phim nước mắt phủ đều trên bề mặt giác mạc, lấp đầy các khe hở giữa các nhung mao của tế bào biểu mô. Lớp phim nước mắt giúp bảo vệ giác mạc và duy trì bề mặt biểu mô trơn láng, nhờ vậy ánh sáng xuyên giác mạc không bị tán xạ, đảm bảo chức năng quang học hoàn hảo của giác mạc.

cau-tao-giac-mac-1

Dinh dưỡng giác mạc

Giác mạc được nuôi dưỡng nhờ thẩm thấu từ các mạch máu quanh rìa, từ nước mắt và thuỷ dịch.

Thần kinh cảm giác giác mạc

Giác mạc là một trong những mô của cơ thể có mật độ phân bố thần kinh cao nhất, nhạy cảm nhất. Thần kinh cảm giác giác mạc được phân nhánh từ dây thần kinh sinh ba, dây V1.

Nghiên cứu cho thấy cảm giác đau ở giác mạc nhiều hơn 300 – 600 lần so với da và nhiều hơn gấp 20 – 40 lần so với tủy răng, do vậy nếu có tổn thương cấu trúc của giác mạc bệnh nhân sẽ có cảm giác đau khủng khiếp.

Chức năng của giác mạc

Giác mạc trong suốt, trơn láng, rất dai, giúp bảo vệ mắt bằng 2 cách:

     – Cùng với hốc mắt, mi mắt, củng mạc bảo vệ bề mặt nhãn cầu tránh các tác nhân như vi trùng, bụi, các tác nhân có hại khác xâm nhập vào nhãn cầu.

     – Giác mạc giống như một thấu kính có chức năng kiểm soát và hội tụ các tia sáng vào mắt. Giác mạc chiếm 2/3 công suất khúc xạ của nhãn cầu. Để nhìn rõ, các tia sáng đến bề mặt nhãn cầu phải được hội tụ bởi giác mạc và thủy tinh thể để rơi đúng vào võng mạc. Võng mạc chuyển các tia sáng thành các xung thần kinh truyền đến não giúp ta nhận biết hình ảnh.

Ngoài ra, giác mạc còn giống như bộ lọc sàng lọc tia cực tím (UV) có hại cho mắt, nếu không, thủy tinh thể và võng mạc sẽ bị tổn hại bởi tia UV.

Giác mạc sẽ đáp ứng như thế nào với các tổn thương?

Giác mạc sẽ đáp ứng tốt với các tổn thương hoặc vết trầy xước nhỏ, các tế bào biểu mô khỏe mạnh sẽ nhanh chóng trượt đến, bắt cầu qua các tổn thương trước khi tổn thương bị nhiễm trùng và gây ảnh hưởng thị lực. Tổn thương nông có thể hồi phục hoàn toàn hoặc chỉ để lại sẹo rất mỏng.

Nếu tổn thương thâm nhập giác mạc sâu hơn, quá trình lành sẹo sẽ mất nhiều thời gian, bệnh nhân sẽ cảm giác đau rất nhiều, mờ mắt, kích thích chảy nước mắt, đỏ mắt và cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng. Các tổn thương giác mạc sâu sẽ để lại sẹo dày, giảm tầm nhìn và có thể phải ghép giác mạc.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

Bác sĩ Chuyên khoa II Đặng Đức Khánh Tiên

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN